Ông Mike Johnson (đảng Cộng hòa) ngày 25.10 đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện sau khi vượt qua lãnh đạo phe thiểu số Hakeem Jeffries (đảng Dân chủ) với số phiếu 220-209. Không có nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu cho ông Johnson,ÔngMikeJohnsonđắccửChủtịchHạviệnMỹlịch âm người trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 56 trong lịch sử Mỹ, theo trang The Hill.
"Chúng ta đang trong thế đa số. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn ngắn xây dựng cá tính và điều đó mang lại thêm sức mạnh, sự kiên trì và rất nhiều hy vọng. Và đó là điều chúng ta sẽ mang lại cho người dân Mỹ", ông Johnson nói sau khi đắc cử.
Với việc đã có người lãnh đạo, Hạ viện Mỹ giờ có thể giải quyết nhiều vấn đề lập pháp thử thách trong thời gian tới. Trong số đó, Hạ viện và Thượng viện phải sớm làm việc để thông qua các dự luật ngân sách chi tiêu chính phủ trước hạn chót 17.11 để tránh nguy cơ đóng cửa. Nhà Trắng cũng đã đề nghị quốc hội thông qua khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá hơn 100 tỉ USD cho Israel, Ukraine.
"Chúng tôi muốn các đồng minh trên thế giới biết rằng cơ quan lập pháp này đã quay trở lại với chức trách của mình", ông Johnson nói.
Từ khi ông McCarthy bị bãi nhiệm ngày 3.10, đảng Cộng hòa đã giới thiệu 3 gương mặt khác lên thay nhưng toàn bộ đều không giành đủ sự ủng hộ. Những người đó lần lượt là ông Steve Scalise, ông Jim Jordan và ông Tom Emmer. Cuối cùng, ông Johnson được chọn bởi sự đồng thuận sau khi đảng Cộng hòa không còn lựa chọn nào khác.
Theo The Hill, ông Johnson có hồ sơ bỏ phiếu mang tính chất bảo thủ, không có đối thủ lớn và được nhận xét rộng rãi là người thân thiện. Ông từng đảm nhận một số vai trò lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và hiện là thành viên của hai ủy ban tư pháp và quân vụ. Trước đây, ông từng là nghị viên tại cơ quan lập pháp bang Louisiana, làm luật sư, dẫn chương trình và là giáo sư đại học trước khi đắc cử vào quốc hội từ năm 2017.
Ông Johnson được cho là một trong những nhân vật chính ủng hộ nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Jeffries của đảng Dân chủ cho rằng ông Johnson còn muốn chấm dứt các chương trình trợ cấp như Social Security và Medicare.
Ông Johnson còn là người phản đối viện trợ an ninh cho Ukraine khi từng bỏ phiếu chống cho dự luật viện trợ hồi tháng 5.2022. "Chúng ta không nên gửi thêm 40 tỉ USD nữa ra nước ngoài mà không có sự giám sát đầy đủ về việc tiền sẽ đi đâu, khi mà biên giới của ta đang hỗn loạn, những người mẹ Mỹ khổ sở tìm sữa công thức cho con, giá xăng cao kỷ lục và các gia đình đang vật lộn để kiếm sống", ông Johnson nói khi đó.